Materialbox

Vùng Biên Giói

của Rimini Protokoll

Home

previous
deczvn

Seite empfehlen

Trích dịch từ biên bản khảo sát cho vở Vùng biên giới

12.1. - Dresden

>> Chuyến đi Dresden đầu tiên. Một phụ nữ Việt nam mà những người xung quanh gọi là »công chúa", mặc một bộ váy trắng diêm dúadẫn chúng tôi ra một khu vườn Việt nam phủ đầy tuyết  ở Johannstadt. Một đề án phát triển thành phố. Cùng có mặt ở đó: một cựu nghị sĩ của hội đồng thành phố đã tích cực ủng hộ người Việt nam ở Dresden. Sau đó dùng bữa trưa trong căn hộ trang hòang sặc sỡ của bà ta.>>

Vào buổi chiều: thăm một cuộc triển lãm ảnh tại viện Goethe Institut Dresden. Những tấm ảnh đen trắng ghi lại hình ảnh công nhân Việt nam những năm cuối thập kỷ 80  tại nhà máy VEB Herrenmode bên các máy khâu và trong ký túc xá của họ. Chúng tôi muốn gặp gỡ với nhà nhiếp ảnh đó.

 

13.1. - Hrensko/ Praha

>> Tại biên giới thuộc Hrensko. Những quán hàng đơn côi của người Việt nam. Trời rất lạnh.

>> Ở Praha chúng tôi gặp ông Winter, ông cho chúng tôi đặt một câu hỏi và kể 2 tiếng đồng hồ liền về công sức và thành tích của mình với tư cách là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Tiệp. Văn phòng nhỏ của ông trong một khu nhà lắp ghép cao tầng chất đầy huy chương và bằng khen. Trên tường treo đầy ảnh chụp với những đối tác kinh tế của ông ở Việt nam. Tiếng Việt ông chỉ nói được mỗi câu »chúc sức khỏe".

>> Đi chợ Sapa. Trong các gian hàng, những người Việt nam ngồi co ro trước những lò sưởi nhỏ phả hơi nóng. Hầu như không có khách. Chúng tôi gặp Sơn Tùng, là người họat động cho phong trào mở cửa của người Việt nam, thành lập một Hiệp hội Hữu nghị và phác thảo Tuyên ngôn. Sau vụ một khu kho hàng bị cháy vào tháng 11 và một cuộc khám xét hàng lọat của công an vào tháng 12 thì không khí trong cộng đồng người Việt rất lục đục và bất an. Hai chị em Vân và Thư dẫn đường cho chúng tôi và kể về những mục đích phấn  đấu và học hành của họ. Bố mẹ của họ bán hàng quần áo rằn ri Mỹ tại một trong hàng trăm gian hàng khác trong chợ. Hai cô gái nói tiếng Đức rất chuẩn.

 

1.1.- Dresden, Rathaus

Liên hoan Tết Việt nam trong Tòa thị chính Rathaus Dresden. Nhiều nhóm văn nghệ biểu diễn đàn hát mừng năm Con Trâu. Nhiều người Dresden cũng đến dự. Ông Đại sứ nhắc nhở đồng bào: " hãy học tập và làm việc chăm chỉ xứng đáng là đại diện cho quê hương". Một người kể cho chúng tôi rằng hàng rào ngăn cách giữa Bắc và Nam Việt nam chạy dọc theo nước Đức: bên Tây Đức là đất sống của người Miền Nam, được gọi là thuyền nhân đã trốn đi khỏi Việt nam từ những năm cuối thập kỷ 70. Còn ở Đông Đức là những người Bắc Việt, họ sang DDR làm công nhân xuất khẩu theo Hiệp định giữa hai nhà nước. Ở Dresden hầu hết là người Bắc Việt.

 

7.3. - Chuyến đi biên giới

Từ Dresden chúng tôi đi qua Hrensko tiến về Praha - và ngược lại. Những chú lùn trong các vườn tiền cảnh  của các ngôi nhà hai bên biên giới được rao bán ngay bên vệ đường dọc theo biên giới. Made in Việt nam? Chúng tôi lật hàng lên xem: chẳng thấy gì cả. Ở Hrensko gặp tòan các gia đình người Đức đi mua bán cuối tuần: thuốc lá, cafê, bánh kẹo, rượu. Một tấm biển quảng cáo: »Giá rẻ hết cỡ". Một người Tiệp kể: » Ngày xưa ở đây đông người mua bán lắm. Đường Autobahn mới xây nối Dresden và Praha đã kéo đi mất tuyến đường qua cửa khẩu". Mặc dù vậy hàng tuần Hải quan vẫn đều đặn đến khám xét và tịch thu hàng giả và đem đi đốt. Ngay một ngày sau lại có đợt hàng mới chở đến từ chợ Sapa ở Praha. Ở Dubí dọc theo hai bên vệ dđường là các Stripbars và nhà thổ: Rio Relax, Cleopatra, Cobra, Marylin... từ trong các cửa sổ mở toang được rọi sáng đèn mầu các cô gái vẫy gọi các chàng trai lái ô tô.

 

22.4. - Berlin

Thiết kế cảnh sân khấu: thu thập ý tưởng tại Berlin. Rất nhiều ảnh từ Việt nam. Nhiều ảnh ở biên giới và chợ Sapa. Ngôi nhà tại cửa khẩu Hrensko làm mô hình để thiết kế? - Đó là một khu hành chính đứng ở bên trên lối xe qua cửa khẩu, một ngôi nhà hình khối dẹt đơn giản- sân khấu đầu tiên có thể được nâng lên để lộ ra một không gian thứ hai có mái, trong không gian đó những đồ vật được nâng lên và mở ra và được rọi sáng riêng.

 

4.6. - Berlin

Cảnh sân khấu: Ý tưởng mới cho sân khấu. Một cuốn sách kể chuyện kiểu Pop-Up-Buch được mở dần ra.  Khổng long và chuyện cổ tích làm nền. Có rất nhiều sách báo về Việt nam, DDR và Tiệp được phân chia cho nhau để đọc.

 

8.6. - Berlin

Tại sân bay Schönefeld gần 100 người Việt nam bị trục xuất. Trên một chuyến tăng cường của hãng Air Berlin với 60 nhân viên hộ tống. Trên sân bay có mặt vài người của tổ chức NGO và Hội đồng tị nạn Berlin, nhưng của phía Việt nam thì chẳng thấy ai.

 

11.6. - Berlin

»Apokalypse Now", »Platoon", »Full Metall Jacket"- tìm kiếm một cách nhìn từ góc độ của đối phương: vô ích. Người Việt chỉ đóng các vai "Charly", gái làm tiền và hiện thân của những thủ đọan thâm hiểm vô hình. Liệu có phim truyện của Việt nam hay của DDR về đề tài chiến tranh không?

 

12.6. - Praha

Duyệt chọn vai diễn trong một phòng tiếp khách của nhà hát Nova Scéna. Lenka và một nam sinh viên Việt nam học nghành kỹ thuật điện tử. Lenka lớn lên tại một vùng biên giới thuộc bang Bayern. Vì thế tiếng Đức của cô pha giọng Bayern và tiếng Anh thì pha giọng Mỹ vì xem nhiều phim. Chúng tôi hẹn gặp cô bé vì cô viết nhiều về chủ đề khác nhau trên mạng: từ góc độ của một cô gái Việt nam trẻ bột phát gọi tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Tiệp - sau nhiều năm sống trong gia đình của mẹ nuôi là người Tiệp. Mỗi lần cô tranh cãi điều gì với mẹ đẻ của mình thì bố cô phải làm phiên dịch. Trong chợ Sapa ở quán "Little Hanoi" (Hà nội nhỏ). Trên tường treo ảnh trắng đen rất đẹp về con người và phong cảnh Việt nam, trong các toilett nam giới thì treo đầy các ảnh in lại các bức họa sơn dầu các cô gái khỏa thân tròn trĩnh và nhợt nhạt.

 

17.6. - Dresden

>> Gặp ông chủ tịch Hội người Việt Dresden. Thời DDR ông ta là đại diện Sứ quán quản lý công nhân Việt nam tại địa phương. Khi thay đổi chế độ chính trị công nhân xuất khẩu việt nam đứng trước lựa chọn họăc nhận tiền bồi thường 3000 DM và về Việt nam hay là ở lại Đức. Họ chỉ được ở lại nếu trong vòng 3 tháng họ chứng minh có việc làm và nhà ở. Không có nhà ở, không có giấy phép lao động. Không có giấy phép lao động thì không được cấp giấy phép lưu trú. Nhiều người Việt nam phải tự hành nghề và thành lập những hiệp hội để tự cứu mình. Ông cho là sẽ rất khó có thể tìm được người Việtnam định cư thuộc thế hệ thứ nhất để nghe họ kể về con đường của họ, chúng tôi lại nghe một lần n ữa. >>

Một nhân viên của Hội đồng người tị nạn Dresden và chị Thanh, tự gọi mình là "cộng mốc" vì đã ở Đức rất lâu rồi. Chị làm phiên dịch mỗi khi người Việt nam phải ra tòa. Trong câu chuyện chị giải thích con đường đưa người: Hà nội - Masơkơva rồi đi đường bộ vào Đức - những ai đến được đây đều nợ đầm nựa đìa, vì vậy họ phải bằng mọi giá kiếm tiền nhanh để trả nợ. Thường là gia đình ở Việt nam phải chịu áp lực trả nợ.

 

18.6.- Dresden

>> Thử dựng sân khấu. Ý tưởng làm sân khấu giống như một quyển sách Pop-Up dần dần rõ nét.>>

Sách - Về chiến tranh Việt nam của Frey: Nhiều gia đình sau chiến tranh chống Pháp kết thúc năm 1954 và đất nước chia cắt đã bị phân chia. Sau khi miền Bắc thắng trận và đất nước thống nhất năm 1975 nhiều người miền Nam lại chạy trốn. Gần 40.000 thuyền nhân đã sang dến CHLB Đức năm 1979.

 

3.7. - Potsdam

Triển lãm tại Trung tâm giáo dục chính trị của tiểu bang về công nhân Việt nam tại DDR. Bà chủ nhiệm triển lãm phát biểu, nhấn mạnh sự cách biệt giữa khẩu hiệu trên biên bản ký kết về đòan kết tương trợ giữa hai nước xã hội chủ nghĩa anh em và thực tế của DDR đang thiếu nhân lực trầm trọng. Trước công luận và trong biên bản, người ta không gọi họ là "Công nhân theo hiệp định " mà chỉ là người lao động nước ngòai. >>

Sách - trong tiểu sử của Hồ Chí Minh: ở Paris những năm thập kỷ 20 ông đã viết một vở kịch tựa đề "Con rồng tre"- phải tìm bằng được!

 

23.7. - Praha, chợ Sapa

3 thanh niên của Hiệp hội VietCzechFriend họat động trong phong trào mở cửa cộng đồng người Việt, họ học đại học Kinh tế, Tin học và Tóan học. Cùng có mặt: hai nhà doanh nghiệp thành công. Một người thuộc Ban quản trị Công ty cổ phần Sapa. Cả hai kể về chiến tranh và biểu diễn bom rơi như thế nào. Những thanh niên kia ngồi nghe im lặng và một lúc sau một anh nói rằng chưa nghe "các cụ" kể về chiến tranh bao giờ.>>

Tiếp tục trong chợ Sapa: một cô gái trẻ gần như phải hy sinh học đại học kinh tế cho công việc trong một văn phòng du lịch. Chủ yếu cô ấy bán vé máy bay về Hà nội, đi thẳng hoặc qua Bangkok. Người Việt được mua giá rẻ hơn một chút. Cô thấy chán cảnh sống thu mình của cộng đồng - trong ngôn ngữ của thế hệ thứ hai xuất hiện một từ mới "Czechnamese".

 

24.7. - Praha, Chợ Sapa

>> Thêm một ngày nữa ở chợ Sapa. Trời rất nóng, chỗ nào cũng thấy quạt. Lượn qua các gian hàng: quần áo thời trang, các mốt áo tắm biển, đồ chơi, túi cặp, hoa nhựa, đồ điện tử. Một bảng điện chạy chữ LED, có thể sẽ dùng trên sân khấu. >>

Gặp một cô gái Tiệp của Câu lạc bộ Hà nội, người ta làm nhiều chương trình để kết nối thanh niên Việtnam và thanh niên Tiệp. Để nghiên cứu thực tế của các quá trình nhập cư. Ông chủ chợ Sapa viết kịch trong thời gian rỗi.

 

29.7. - Berlin

>> Thăm một bà thành viên của Hội đồng người nhập cư của Berlin. Bà là người quyết định trong Ủy ban trường hợp  đặc biệt xét đơn tị nạn và đi thăm những tội phạm bị kết án và ngồi tù - thứ hai hàng tuần thăm tù nam ở Tegel (giết người, buôn thuốc lá lậu thuế), thứ tư hàng tuần thăm tù nữ ở Pankow (buôn người, chở người lậu). Chở người qua đường Matsơkơva sang tới châu Âu giá từ 10.000 Dollar (sang đến Đông Âu) đến 30.000 Dollar (sang tới Skandinavien). Bản thân bà trốn chạy khỏi Sàigon năm 1969, cùng với ông chồng người Đức khi đó là bác sĩ trên tầu cứu hộ "Hegoland". Cùng có mặt: một ông là thành viên của Hội đồng tị nạn Berlin, cũng có mặt tại phi trường Schönefeld vào ngày tống khứ 100 người Việt nam vừa rồi. Muốn quay trở lại Đức những người bị tống khứ phải hòan lại phí tổn tống khứ và số ngày trong "trại giam chờ tống khứ" (66 Euro một ngày).

 

4.8. - Berlin

Gặp một trong số những người được chụp chân dung trong triển lãm ở Potsdam. Năm 1975 chị đã cùng với 300 người Việt nam khác sang DDR làm việc ở nhà máy sản xuất tủ lạnhVEB DKK Scharfenstein. Bảo hành 20 năm. Khi Siemens tiếp quản xí nghiệp sau khi nước Đức thống nhất, họ kêu: "Các người điên rồi, ai lại những 20 năm...!". Chị vẫn còn dùng trong nhà một tủ lạnh từ thời đó. Chị lãnh đạo câu lạc bộ phụ nữ Sông Hồng ở Potsdam, một trong những họat động của họ là quyên góp ủng hộ nạn nhân Agent-Orange. Những bức hình khủng khiếp của trẻ em quái thai thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba. Sau cùng chị tặng chúng tôi một bức tượng Hồ Chí Minh. Chị không có thời gian để tham gia.

 

10.8. - Praha

>> Tin mới về anh cả người Tiệp: mọi người đều biết ông ta, nhưng ít người nói tốt về ông. Ông ta tự phong mình là "Cha già" của tất cả người Việt nam - nhưng họ bảo đó là một điều xúc phạm, vì chỉ có Hồ Chí Minh mới là "Cha già" của người Việt nam thôi.>>

Video "Fog of War". Phim tài liệu với và về Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara và cuộc chiến tranh Việt nam: "Don‹t answer a question like it is posed. Answer it like you wish it had been posed".

 

11.8. - Praha

Lên đường đi Rozvadov (tiếng Đức là Rosshaupt). Trong nhà của gia đình Lenka treo tranh sơn dầu cảnh rừng châu Âu, tranh sơn dầu cảnh cối xay nước bên suối. Bức hình của bà nội quá cố được gài đè lên trên mặt tranh, kiểu như thôi thì ít nhất bà cũng đã đến được với phong cảnh êm đềm của châu Âu. Lại nói chuyện ảnh ghép: Trên tường treo một bức ảnh gia đình với rất nhiều gương mặt. Nhìn kỹ thì hóa ra là cuộc đòan tụ xuyên lục địa này chỉ diễn ra trong ảnh này thôi, được ghép lại từ rất nhiều ảnh trong album của gia đình.

 

12.8. - Praha

Gặp Đặc trách ngọai kiều của khu phố Libus (Praha 4). Một nữ luật sư của đối thọai. Khu phố này đã dần dần trở thành một "Little Việt nam" (Việt nam nhỏ). Cứ 10.000 dân thì trong đó có khỏang 2500 người Việt nam. "Chợ Sapa là trung tâm đầu não của cộng đồng người Việt ở đây": có cả báo riêng, cứu hỏa riêng, gần như có luật lệ riêng và có nguy cơ trở thành một thế giới cô lập và khép kín. Những mâu thuẫn với người dân xung quanh có nguy cơ sẵn sàng bùng cháy.>>

Một thanh niên Tiệp mở  văn phòng môi giới việc làm cho người Việt. Trước đây anh ta đã từng làm thuê cho người Việt trên các chợ khác nhau. Những từ như "làm tạm", "nghỉ phép" hay là "nghỉ mát" không có trong vốn từ của họ. Hiện giờ anh ta đã cưới vợ người Việt và môi giới công nhân Việt nam làm thuê ngắn hạn cho các công ty Tiệp.>>

Một cô gái Việt nam muốn trở thành ca sĩ và làm đơn tham gia một Casting Show của người Việt ở Mỹ chương trình "Paris by Night". Bố mẹ cô sau khi kinh doanh nhiều cửa hàng ở Cộng hòa Tiệp đã phá sản và quay trở về Việt nam.

 

13.8. - Praha

>> Gặp mặt lần nữa với nhà chính trị trẻ tuổi. Nhưng anh ta tỏ ra mệt mỏi vì họp hành với nhiều ban bệ và cuộc tranh luận về chính trị cạn mạch nhanh chóng. Anh do dự: "Thôi đừng nói gì về Hồ Chí Minh nhé - đủ rồi!" >>

Gặp gỡ ở trung tâm siêu thị tại sân bay. Một thanh niên Việt nam rất sính hàng Mỹ và tiếng Mỹ. anh ta muốn mở một bệnh viện vì chị gái học đại học y còn anh ta thì học kinh tế xí nghiệp.

 

14.8. - Berlin, Lichtenberg

>> Đi một vòng quanh chợ Việt nam ở Herzbergstraße. Không lớn bằng chợ Sapa ở Praha. Nhưng lại sắp xếp rõ ràng hơn và chuẩn mực hơn trong những khu giao hàng to. Một phần hàng nhập từ Praha. Tự thử nghiệm: cắt tóc tại cửa hàng Việt nam - ý kiến chung: »rất mốt".

Chúng tôi hẹn gặp một nữ xã hội học người Việt nam, chị kể về một anh hàng xóm của mình: anh Vũ Tuấn thời trẻ đi bộ đội BắcViệt năm 1970, làm lính công binh trên đường mòn Hồ Chí Minh. Năm năm liền anh làm nhiệm vụ nguy hiểm tính mạng là lấp hố bom và cùng với hàng nghìn người là bộ đội và dân công mở những con đường cho xe tải chạy được qua. Sau chiến tranh được đi học nghề cơ khí ô tô. Là một trong những người Việt nam đầu tiên được chọn cử sang DDR. Từ năm 1980 làm việc tại nhà máy VEB Fortschritt ở Bautzen (máy nông nghiệp), sau này trở thành phiên dịch. Sau năm 1990 thử kinh doanh nhiều nghề nhưng không có kết quả. Hiện nay anh sống bằng Hartz IV tại Lichtenberg và viết chuyện ngắn  và thơ dưới bút danh Phương Trang Linh.

 

17.8. - Dresden

>> thăm trường Đại học Công tác Xã hội tin lành Dresden. Giải nghĩa câu cửa miệng: » Đi mua hàng chỗ bọn Fitschi » là từ chữ Vietnam - đọc là Fietnam. Hay là từ chữ viết tắt VC »Việt cộng"? Chỉ biết rằng Việt nam là nhóm người đầu tiên sau khi mở cửa khối phương Đông đã tìm đường mới tiêu thụ hoa quả - họ đứng bán hàng rong ngòai đường và bán những quả chuối đầu tiên. Sau khi chế độ chính trị thay đổi người ta rất lo sợ trước những khủng bố cực hữu: nhiều người Việt nam thay tên mình ngòai cửa nhà bằng tên tiếng Đức.>>

Buổi tối gặp mặt những người trong hội người Việt ở Dresden. Một chị bán hàng quần áo và con gái. Con gái của một họa sỹ. Và 3 người trước đây là công nhân xuất khẩu: Sony bây giờ có một cửa hàng làm móng tay, Hùng có cửa hàng bán quần áo, người thứ ba là một họa sĩ : »chúng tôi đã thành đạt". Chuyển ngành từ công nhân luyện thép sang họa sĩ chuyên nghiệp... Hùng bảo:" H&T- 20 năm nữa chúng tôi sẽ lớn như C&A". Và họ đều kể về chiến tranh. Quan điểm về kinh doanh buôn bán: chúng tôi không tìm cách phá thị trường của nhau mà gây phong trào qua cạnh tranh. »Người Việt không mua hàng của người Việt mà đi mua hàng của C&A, xem kỹ mới nhìn thấy nhãn hiệu: Made in Vietnam".

 

18.8.- Dresden

>> Được rất nhiều người giới thiệu là đối tác: Một đại tá đã về hưu: Giảng viên đại học tại Viện hàn lâm quân sự Friedrich Engels và cũng từng dạy người Việt nam- những chiến sĩ có thành tích chiến đấu chống Mỹ được khen thưởng về lòng dũng cảm được cử sang DDR để được đào tạo thành cán bộ lãnh đạo của quân đội Việt nam. Trên tường ông treo đầy tranh từ Việt nam - những món quà tặng của học viên. » Món ăn mừng đón công nhân Việt nam của ông do nhà bếp xí nghiệp chuẩn bị là một panne: các cô đầu bếp cứ tưởng là món cháo sữa cũng được gọi là cơm. Và còn nằm nguyên trên bàn. Để làm quen với môi trường họ được dẫn đi dạo xung quanh khu ký túc xá: đi ra đến Konsum và đến phòng khám của bác sỹ. »Sau một tháng học tiếng Đức họ được làm quen với quy trình sản xuất và được xếp lẫn vào những đội thợ người Đức. Và sau rồi họ đã xây dựng lên thành một dây chuyền sản xuất mới" - sau ca làm việc ở nhà máy về nhà họ cón may quần Jeans theo mẫu mã của phương Tây. VEB Herrenmode: chất lượng cao. Những cán bộ cao cấp đều giao may complé cho tại nhà máy. May cho Neckermann và C&A- 20% nằm lại DDR, 40% xuất sang Liên xô, 40% xuất đi Tây Đức.>>

Sách - Tiểu sử McNamara: "How much evil must we do, to do good?", "What makes a war moral, if you win, and what makes it immoral, if you loose?" - nhiều những bài tóan về năng suất và hiệu quả của chiến tranh.

 

19.8. - Dresden

Đến nhà Thanh. Chúng tôi muốn được nghe kể lại lần nữa thật tận tường con đường ngoằn nghèo của chị trên khắp DDR. Đầu tiên là một cô sinh viên yêu chế độ, sau thành kẻ chống đối và rồi kháng cự không về nước. Lưu vong ở lại và tìm cách trốn đi, sau này trở thành phiên dịch cho công nhân Việt nam ở DDR. Khi bức tường biên giới đã sụp đổ, tất cả đều muốn bỏ đi, Thanh ở lại. >>

Video: Born on 4th of Juli mit Tom Cruise - cảnh chiến đấu dài, không nhạc, phút thứ 39.

 

20.8. - Dresden

>> một cô bé Dresden 14 tuổi - cho chúng tôi xem biểu diễn của cô trên mạng và kể về bố mẹ mình là cả hai người đều là bộ đội trong quân đội Việt nam. Cô muốn trở thành diễn viên.

>> một cậu học sinh Việt nam trẻ tuổi: thần đồng về tóan, chuyên gia về tìm phương thức giải quyết vấn đề và tư duy chiến lược.

>> buổi tối duyệt thử với Sony, Hùng và chàng họa sỹ: Karaoke, Gitarre, trống. »ngày xưa ở Việt nam chúng tôi không được hát về tình yêu, vì nó làm cho người ta ủy mị và buồn bã. Trong chiến tranh người ta phải mạnh mẽ và tỉnh táo". Họ hát say sưa cả những bài của Puhdys và Karat.

 

22.8. - Berlin

Liên hoan kỷ niệm của công nhân Việt nam của nhà máy VEB DKK Scharfenstein trong Viet-Haus Berlin.


24.8. -Dresden

Buổi tối tại gia đình bà chủ bán quần áo. Cả gia đình có mặt. Họ cho chúng tôi xem ảnh từ thời còn làm việc ở VEB Pentagon và một máy ảnh Pentax, mà trước đây chính tay họ đã lắp những kinh kiện cho những máy đó.

 

25.8. - Dresden

Buổi tối tập với Sony, Hùng và các phu nhân. » Bây giờ chúng tôi đã được cấp visa dài hạn".

 

26.8. - Dresden/ Praha

>> ở Dresden đến thư viện Rosa Lxemburg Stiftung: dưới vần H có cả 3 tác phẩm của Hồ Chí Minh. Trong đó có »Nhật ký trong tù". >>

Ở Praha: tập với Lenka, Thư và Vân và một nữ sinh viên nữa tại Nova Scéna. Họ đều bảo chúng tôi phải tìm xem »Good morning Vietnam", họ cho đó là bộ phim hay duy nhất về chiến tranh Việt nam.

 

28.8. - Berlin

>> Ăn tại quán Monsieur Vương, một quán Việtnam ở Berlin Mitte. Bức tranh thời trẻ nổi tiếng của ông treo một băng tang.

>> Gặp gỡ lần nữa với Tuấn và Lợi. Hai người kể về các món ăn trong rừng: rắn, khỉ ...Biết bao nhiêu  cuộc chiến tranh mà người dân thành phố này có thể làm chứng?

 

30.8. - Berlin, Friedrichshain

Chủ nhật 10:30, nhà thờ Corpus Christi Kirche. Lễ thánh dòng katholic. Trong hai mươi hàng ghế đầu có khỏang 30 người Đức. Nhưng ba hàng sau cùng thì có 70 người Việt nam. Tìm cách hỏi chuyện nhưng khó khăn.

 

2.9. - Dresden

Gặp lần thứ hai đại tá về hưu. Tài liệu và ảnh từ thời VEB Herrenmode. Gặp nhiều khó khăn với những khái niệm thông dùng: "Công nhân xuất khẩu" cho "người lao động Việt nam", "Wende" thay vì "Sự ra nhập của DDR vào Khu vực của hiến pháp CHLB Đức". Tiếng nói của ông ta có nên xuất hiện trong vở kịch của chúng ta? >>

Một nhà sử học và một cán bộ trưởng phòng giải thích chi tiết về quá trình suy sụp của các VEB và sự chuyển đổi nhanh chóng sang hệ thống mới.
>>

Chàng họa sỹ không tham gia được vì anh có "qúa" nhiều đơn đặt hàng, trong đó một bức tranh lớn về "thời kỳ Wende, rất khả quan".

 

4.9. - Berlin

>> Gặp một nhà xã hội học người Đức bên cột đồng hồ thế giới tại Alexanderplatz. Ông từng nghiên cứu về góc độ theo dõi của Stasi đối với công nhân từ Việt nam.

>> Sascha giới thiệu chúng tôi với một gia đình thuộc những thuyền nhân đầu tiên từ năm 1978. Họ đi từ miền Bắc nhưng là người Việt gốc Hoa. Khi những hiềm khích nổi lên gia đình họ bán nhà, người mẹ cùng các con chạy trốn đường bộ sang đến Hồng Kông. Người con dâu thì cùng 3 đứa con của mình mua chỗ lên một cái thuyền đánh cá nhỏ, chen chúc cùng với hàng trăm người khác. Họ lênh đênh trên biển gần 3 tháng trời, liên tục bị cướp. Thuyền mắc cạn trên một hòn đảo. Những người Trung quốc trên đảo đó tặng họ một con thuyền mới để tống họ đi. Chúng tôi quyết định cho lần này sẽ giới hạn ở các tiểu sử của các vai diễn bên này chiến tuyến.

 

7.9. - Berlin/ Dresden

>> Berlin: Hãng lưu trữ phim Progress Film Verleih sắp xếp lại một lọat những phim DEFA cũ. Những chương trình thời sự Việt nam và của DDR »Augenzeuge": dài 6 tiếng liền về chiến tranh Việt nam và sau này là tương trợ đòan kết giữa các nước anh em, về chương trình đào tạo những »người lao động Việt nam".

(8.9. hòan thành bản in cho quyển chương trình)

© privat

© Karl Heinz Karthert