Materialbox

Vùng Biên Giói

của Rimini Protokoll

Home

previous
deczvn

Seite empfehlen

Tôi đóng vai Lợi

© privat

Trên sân khấu, Dresden 2009 © Matthias Horn

Nguyễn Văn Lợi - tên gọi là Lợi

sinh ngày 01.05.1955 tại Vinh, Nghệ An miền Trung của Việt Nam. Cha anh trở về từ cuộc kháng chiến chống Pháp là thương binh hạng nặng. Trong cuộc tổng động viên năm 1972, anh gia nhập quân đội Bắc Việt và sau đó khoảng một năm liền anh là lính quân giới được bổ nhiệm trông coi một kho súng đạn bên đường mòn Hồ chí Minh. Chiến tranh kết thúc, anh học đại học Tổng hợp Văn tại Saigòn, năm 1987 anh tìm cách cạnh tranh với nhiều đồng nghiệp khác để được đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa dân chủ Đức và được làm một chân lái cần cẩu tại nhà máy VEB Transformatorenwerk  tại Berlin.  Gia đình anh đang sống tại Việt nam: Bố, mẹ và các em (một em trai và bốn em gái). Sau năm 1990 anh phải làm nhiều công việc trong ngành công nghiệp lò mổ. Duy nhất chỉ là thành viên của Đảng Cộng sản Việt nam (từ năm 1976 đến năm 1992). Chuyến đi du lịch xa nhất: Na-uy, Phần lan, nhưng ước mơ của anh vẫn là sang Mỹ: để một lần mua được mũ Cao bồi. Không thuộc tín ngưỡng nào : »Tự do vẫn hơn....". Số lần vượt biên không hộ chiếu: hai.

© privat

Trên sân khấu, Dresden 2009 © Matthias Horn

Nguyễn Văn Lợi về cuộc chiến tranh Việt nam

Tôi sinh ra ở một vùng bờ biển tỉnh Nghệ An. Làng tôi nằm giữa một ngã ba của các tuyến đường giao thông chiến lược của Việt nam, chính vì vậy mà máy bay ném bom hàng ngày. Tất cả những gì ban ngày bị bom phá hủy thì ban đêm chúng tôi phải làm lại. Tôi cũng phải tham gia đi lấp hố bom. Chúng tôi cũng được đào tạo học cứu thương. Khi học lên cấp ba tôi phải đi học rất xa nhà, lúc nào tôi cũng lo sợ vì hàng ngày từng đàn máy bay kéo vào bay qua đầu chúng tôi để thả bom, có những lúc tôi phải vứt cả xe đạp để lao xuống hầm trú ẩn. Người lớn vẫn dạy chúng tôi rằng, cứ mỗi lần nhìn thấy máy bay là chúng tôi không được chạy đi mà phải nhìn máy bay, chạy ngược lại và tìm nơi trú ẩn. Mỗi lần nhìn thấy những cột khói bom từ xa cha mẹ tôi lại nghĩ rằng tôi đã chết. Tôi rất sợ và không muốn đi học nữa nhưng cha mẹ tôi bảo rằng: » thôi con cố mà học đi, đằng nào mày cũng sắp đến tuổi đi lính rồi, phải làm quen dần đi là vừa".

Mười bảy tuổi tôi gia nhập quân đội. Trong đơn vị tôi lúc đó có 40 tân binh, trong đó hai phần ba là vừa tròn 17 tuổi. Ước mơ của chúng tôi là hành quân vượt qua được 4 tỉnh miền Trung để vào đến miền Nam mà không bị chết dọc đường. Rất nhiều đồng đội của tôi chưa hề tham gia chiến đấu trận nào đã hy sinh vì bị bom dọc đường. Chúng tôi mơ ước hành quân vào đến chiến trường để được cầm súng đối mặt với kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi đi dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, có những đoạn phải đi sang đất của Lào vượt qua vĩ tuyến 17 để tiến về phía nam. Đằng sau gianh giới này là mặt trận ở khắp mọi nơi. Trong khi đơn vị tôi tiếp tục hành quân tiến về phía nam, tôi cùng với hai đồng đội nữa được giao nhiệm vụ trông coi một kho vũ khí lớn tuyến đường cung cấp vũ khí đạn dược...

Kể khi bắt đầu cuộc chiến ngày 5.8.1964 cho đền ngày quân đội Mỹ rút khỏi Việt nam năm 1973tôi đã chứng kiến khoảng 13.500 lần bom rơi, mỗi ngày khoảng 4 đến 5 lần, 300 ngày một năm,  và 9 năm dài như vậy. Vào những ngày lễ của Mỹ thì cũng ngừng bom rơi. Cuộc sống rất mong manh: hôm nay chúng tôi còn sống nhưng ngày mai có thể đã chết. Buổi sáng thức dậy có thể còn sống nhưng hai tiếng đồng hồ sau có thể đã chết rồi.

Tôi canh kho vũ khí trong rừng sâu và một tháng sau khi chiến tranh đã kết thúc có một nhóm người đi qua chỗ tôi canh gác và hỏi: »các anh không biết là miền Nam và Sài gòn đã giải phóng rồi à". Tôi bảo: »Tôi đã bị người ta quên rồi".


Trich từ vở kịch Vùng Biên giới


Nguyễn Văn Lợi về cuộc đời anh ở Cộng hòa dân chủ Đức

»...ở CHDC Đức đầu tiên tôi làm thợ lái cẩu. 1991 tôi bị mất việc. 1992 tôi làm thợ mộc. Sau đó tôi thất nghiệp. 1993 tôi được chuyển sang học nghề bán hàng, 1994 tôi làm nhân viên bán hàng cho Kaufhof tại Berlin. 1995 tôi làm bồi bàn cho một hàng châu Á, không có khách tôi lại thất nghiệp. 1999 lại đi làm cho một quán ăn nhanh châu Á, không có khách, lại thất nghiệp. 2001 tôi đi làm cho hãng sản xuất xúc xích. Cùng với một đồng nghiệp tôi sản xuất một ngày 8 tấn Bockwurst, hay là 8 tấn Bratwurst, 2 tấn Wiener Würste, 1,5 tấn Mini - Salami hay là 1 tấn Partywürstchen một ngaỳ. Tổng cộng tôi đã sản xuất 280 tấn xúc xích. Lại thất nghiệp. Sau đó tôi làm thợ nướng vịt, một ngày 400 con vịt. Trong 3 năm tôi đã nướng 60.000 con vịt. Sau đó tôi thất nghiệp.

Khi bức tường Berlin đổ, tôi vẫn còn đang làm việc bình thường trong nhà máy. 5 ngày sau tôi tìm cách đi qua biên giới. Tôi đã đi đến rất nhiều các cửa khẩu, tất cả mọi người đều được đi qua nhưng tôi đều bị đuổi vì họ bảo : mày không được qua. Cuối cùng tôi đã đến cửa khẩu Bornholmer Strasse và tôi đã cố thu nhỏ mình lại và để cho dòng người đẩy tôi qua. Tôi còn muốn ở lại Tây Berlin vài ngày để xem nó như thế nào. Nhưng buổi tối sau khi tôi đã đi khắp thành phố và đến một bến U-Bahn, tôi định chuyển tầu để đi xem tiếp thì khi đi lên cầu thang tôi lại nhìn thấy biển đề: Rosenthaler Platz, hóa ra lại là Ostberlin. Thế là tôi đi về nhà đi ngủ.

1990 tôi nhận được giấy báo nghỉ việc của nhà máy VEB Transformatorenwerk. Người ta hỏi tôi có lấy 3000 DM và vé may bay đi về VN không, hay là ở lại thì không có tiền. Tôi quyết định ở lại.
Tôi cũng muốn hòa vào dòng người xuống đường để đi kiếm tiền. Mặc một bộ complê sang trọng và sách một chiếc cặp ngọai giao, xếp vào vừa đủ 9 cây thuốc lá mua ký gửi trong ký túc xá và tiến thẳng hướng ga S-Bahn Buch ở phía bắc Berlin. Khởi đầu rất tốt, sau 20 phút tôi đã bán được 1,5 cây thuốc lá. Một lúc sau có một người đàn ông mặc comple lịch sự đến và ra hiệu cho tôi: Hai West!. Tôi vừa cúi xuống mở cặp, giơ lên đưa cho ông ta cây thuốc và nói » bitte schön!" thì Zack! ông ta đã còng ngay tay tôi vào còng số 8 và khóa tôi vào hàng rào cạnh đó. Ông ta nói: » Bây giờ anh hãy đợi ở đây vì tôi còn phải đi bắt tiếp đồng nghiệp của anh nữa."

Sau đó anh ta biến mất, cùng với chiếc cặp của tôi. Tôi đứng dựa vào hàng rào và rút thuốc lá ra hút. Lúc đó khoảng 11giờ 30 phút. Một tiếng đồng hồ trôi qua. Trời rất lạnh. Lại một tiếng nữa trôi qua. Khoảng 14.00 giờ những cô gái Việt nam tôi quen trong ký túc xá đi làm về, nhìn thấy tôi họ hỏi anh đang làm gì ở đây thế. Tôi cũng chẳng cần phải nói gì, chỉ cần kéo ống tay áo lên cho họ nhìn thấy tôi bị còng tay. Họ hỏi tôi có đói không thì sẽ đi mua gì cho tôi ăn, tôi trả lời rằng bây giờ thì chưa.

Một tiếng đồng hồ trôi qua, lại một tiếng nữa. Một xe cảnh sát từ từ đi qua, tôi vẫy họ lại chỗ tôi. Hai người cảnh sát đi đến chỗ tôi đứng. Tôi bảo với họ:" Lúc 11giờ 30 một ông hải quan đã bắt giữ tôi ở đây. Tôi đã đợi 4 tiếng đồng hồ. Tôi đói, tôi rét và hết thuốc lá rồi. Tôi đã bị bỏ quên rồi."

Hai người cảnh sát không biết phải làm gì với tôi. Cô công an mua cho tôi một cái Bockwurst ở gian hàng cạnh đó. Sau đó họ gọi điện thoại đi đâu không rõ. Khoảng 10 phút sau một chiếc xe cảnh sát khác đến, một công an bước ra khỏi xe và bảo tôi đi theo ông ta. Trên đường đi ông ta giải thích:" Ông hải quan sáng nay bắt anh đã hết ca rồi, đã giao ca hồ sơ của anh cho một người khác, nhưng người này lại quên mất anh".
Ở đồn cảnh sát  tôi phải ký biên bản bị công an tịch thu 7,5 cây thuốc lá. Cầm tờ biên bản trong tay tôi đã được thả về nhà. Đó là lần duy nhất tôi được đứng dưới cơn mưa vàng".

Trich từ vở kịch Vùng Biên giới

http://mirrors.creativecommons.org/international/vn/translated-license.pdf